Được xây dựng và phát triển trên mảnh đất của miền quê Kinh Bắc xưa, có truyền thống khoa bảng, hiếu học. Trải qua năm tháng hàng vạn học sinh của nhà trường đã trở thành những cử nhân, tiến sỹ, nhà khoa học, những anh hùng lực lượng vũ trang …cống hiến công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước. Trong suốt quá trình 50 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy trò nhà trường đã phải trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, miệt mài thi đua Dạy tốt - Học tốt, để lại di sản là một ngôi trường có bề dày thành tích, là địa chỉ đỏ về chất lượng giáo dục trên địa bàn như ngày hôm nay. Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập trường, chúng ta cùng nhau ôn lại những chặng đường lịch sử thăng trầm mà các thế hệ thầy, trò nhà trường đã cùng nhau xây đắp, làm nên.
Giai đoạn thứ nhất từ năm 1966 đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975
Vào thập kỷ 60 của thế kỷ XX, cả huyện duy nhất chỉ có một trường Cấp 3, lấy tên là trường Cấp 3 Đông Anh, nằm bên quốc lộ số 3, cạnh trạm biến thế Đông Anh. Đến năm 1965, trước sự kiện Vịnh Bắc Bộ, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, trước tình hình đó, thành phố Hà Nội đã ra quyết định sơ tán các trường học nằm gần mục tiêu bắn phá của máy bay Mỹ để bảo đảm an toàn về người và của. Vì vậy, trường Cấp 3 Đông Anh được chia thành hai trường là trường Cấp 3 Đông Anh A, đặt tại thôn Gia Lộc - Xã Việt Hùng và trường Cấp 3 Đông Anh B, đặt tại thôn Vân Trì - Xã Vân Nội. Sau một năm hoạt động, đến năm học 1966- 1967, đế quốc Mỹ leo thang ném bom phá hoại miền Bắc, tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, trường Cấp 3 Đông Anh A gần ga xe lửa Dục Nội, do vậy để tránh mục tiêu bắn phá của máy bay Mỹ, Ban giám hiệu nhà trường đã đề nghị Sở Giáo dục Hà Nội chia thành hai trường để bảo đảm an toàn cho giáo viên và học sinh. Nhận thấy đề nghị của nhà trường hoàn toàn hợp lý, Sở Giáo dục Hà Nội đã đệ trình UBND thành phố đề nghị chia tách, đến tháng 11 năm 1966 UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định chia trường Cấp 3 Đông Anh A thành hai trường, là trường Cấp 3 Liên Hà và trường Cấp 3 Cổ Loa.
Đây cũng là thời kỳ khó khăn nhất, thầy trò vừa dạy, vừa học, vừa lao động trong mưa bom bão đạn của kẻ thù. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, Ban giám hiệu, đứng đầu là thầy Hiệu trưởng Đoàn Cầu (1966 - 1968), cùng sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, ngôi trường hình thành với 06 phòng học tranh, tre, lá nằm rải rác ở hai thôn Hà Phong và Hà Lỗ. Đến năm 1968 - 1972, thầy trò nhà trường đã xây dựng thêm nhiều phòng học, đào đắp hàng nghìn m3 đất xây luỹ làm hầm hào trú ẩn. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, Hiệp định Pari được ký kết, Đế quốc Mỹ đã phải chấm dứt hoàn toàn ném bom phá hoại Miền Bắc, trường được chuyển đến địa điểm ngày nay. Từ một bãi hoang tàn, mấp mô, hầm hố, thày trò nhà trường đã cùng nhau san phẳng và xây dựng được hai dãy nhà học cấp 4, với 10 phòng học xây gạch, lợp ngói móc, xây các phòng làm việc, hội họp và khu nhà tập thể bằng vách đất, lợp giấy dầu làm nơi ở cho cán bộ, giáo viên. Cũng do chiến tranh ác liệt, nhiều thầy và trò nhà trường đã xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ, họ đã có mặt ở các mặt trận tiền tiêu bảo vệ tổ quốc, thống nhất non sông. Trong cuộc chiến đó, nhiều người đã bỏ lại một phần cơ thể để trở thành các thương binh, đặc biệt 59 học sinh của nhà trường đã vĩnh viễn không trở về, họ đã cống hiến chọn đời cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, trở thành những anh hùng liệt sĩ quang vinh. Có thể khẳng định trong giai đoạn này thầy trò nhà trường đã hoàn thành sứ mạng kép trên mặt trận: giáo dục, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, góp phần vào việc đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ này, nhà trường vinh dự được Đảng và Nhà nước công nhận danh hiệu Trường tiên tiến chống Mỹ cứu nước.
Giai đoạn thứ hai, từ 1975 - 1985: Đất nước hòa bình, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội
Đất nước mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài, cùng một lúc nhân dân ta vừa phải giải quyết hậu quả của chiến tranh, vừa phải tập trung phát triển kinh tế. Do đất nước bị cấm vận, cộng với chế độ quan liêu bao cấp đã làm cho nền kinh tế của đất nước rơi vào tình trạng trì trệ, chậm phát triển, đời sống cán bộ, giáo viên gặp vô vàn khó khăn vất vả. Có nhiều thầy cô ngoài những giờ lên lớp đã phải làm đủ nghề để kiếm sống, nhiều thầy cô không trụ vững đã phải bỏ nghề... Nhưng dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, Ban giám hiệu đứng đầu là thầy Trương Quang Hoằng – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng, cùng các thầy Nguyễn Tuân, thầy Đỗ Văn Mạn, thầy Nguyễn Đức Hiến là Phó hiệu trưởng đã lãnh đạo các thầy cô giáo đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng nhà trường. Mỗi năm học đi qua đều đánh dấu sự trưởng thành của nhà trường, quy mô học sinh ngày một tăng. Nếu như năm học 1975 - 1976 chỉ có 11 lớp với 375 học sinh, thì đến năm 1985 - 1986 là 20 lớp, với 970 học sinh. Song song với phát triển quy mô nhà trường là nâng cao chất lượng giáo dục. Từ năm học 1980 - 1981, thực hiện Quyết định 126/QĐ- CP, nhà trường đã tích cực triển khai, đẩy mạnh hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Ngoài thời gian học, hàng tuần học sinh tham gia lao động, làm ra của cải, vật chất xây dựng nhà trường và cải thiện một phần đời sống cán bộ giáo viên. Hàng năm, với 50 vạn viên gạch, 40 tấn thóc, 05 tấn thịt lợn, 05 tấn cá và 01 tấn nấm…là thành quả của giáo dục lao động hướng nghiệp lúc bấy giờ. Năm 1985 nhà trường tham gia triển lãm mô hình hướng nghiệp toàn ngành Giáo dục, được Chính phủ tặng Bằng khen, tiếng vang của trường được nhiều địa phương trên cả nước biết đến, nhiều đoàn đại biểu trong và ngoài nước đã đến thăm quan mô hình hướng nghiệp của nhà trường, như: Tổ chức lương thực thế giới FAO, Cộng hòa dân chủ Đức, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và vương quốc Căm-pu-chia…đặc biệt thầy và trò nhà trường vinh dự được đón cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm. Trong phong trào thi đua, nhiều năm liền trường được đánh giá là trường Tiên tiến và Tiên tiến xuất sắc; tháng 11 năm 1984 trường được Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng cờ trong phong trào thi đua “Hai tốt”; tháng 2 năm 1985, Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội tằng Giấy khen về Hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh; tháng 11 năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng tặng Bằng khen phong trào thi đua “Hai tốt”. Những kết quả trên đã minh chứng rằng: Trong lúc khó khăn bộn bề như thế, nhưng cán bộ, giáo viên nhà trường vẫn giữ vững bản lĩnh chính trị, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực với nghề, phấn đấu thi đua lao động giỏi…, họ đã trở thành những chiến sỹ thi đua, giáo viên dạy giỏi, điển hình như Thầy hiệu trưởng Trương Quang Hoằng, thầy Phó hiệu trưởng Nguyễn Đức Hiến, thầy Nguyễn Tiến Cử - GV môn Lý, Cô Nguyễn Thị Thêu - GV môn Ngữ văn, Cô Nguyễn Thị Giô - GV môn Ngữ văn …
Giai đoạn thứ ba từ 1986 đến 1996, mười năm đầu của thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới đất nước
Trong giai đoạn này thầy Trương Quang Hoằng tiếp tục làm Hiệu trưởng; thầy Đỗ Văn Mạn làm Phó hiệu trưởng, Sở Giáo dục bổ nhiệm thầy Nguyễn Hữu Quát làm Phó hiệu trưởng (thay cho thầy Nguyễn Đức Hiến chuyển công tác về Phòng giáo dục huyện Đông Anh). Giai đoạn này quy mô nhà trường tăng mạnh, gấp 1,5 lần, từ 20 lớp (năm học 1986 - 1987), đã tăng lên thành 29 lớp (năm học 1995 - 1996). Trước sự gia tăng về quy mô, trường đã được UBDN thành phố đầu tư, xây mới cơ sở vật chất lớp học. Năm 1989 xây khu nhà hiệu bộ một tầng, năm 1994 xây khu lớp học 1 tầng với 5 phòng học kiên cố, năm 1995 xây khu nhà lớp học 3 tầng với 15 phòng học, nâng tổng số phòng học của trường lên 20 phòng. ….Những năm đầu thời kỳ đổi mới, kinh tế của đất nước đã có những bước phát triển, tuy nhiên chưa ổn định, lương tháng của cán bộ giáo viên chưa thể đủ trang trải cho cuộc sống của bàn thân và gia đình … Trước những khó khăn chung đó, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, Ban giám hiệu và Ban chấp hành công đoàn đã động viên đội ngũ cán bộ, giáo viên đặt quyền lợi chung lên trên hết, tăng cường đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy, tạo việc làm từ chính nghề của mình để giáo viên có nguồn thu nhập thêm hàng tháng. Từ việc tăng cường hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục, đến việc thực hiện chủ trương phân ban của Bộ giáo dục, nhà trường đã thành lập mỗi ban một lớp chọn, gồm những học sinh có năng lực tốt, phân công các thầy cô có chuyên môn giỏi vào giảng dạy. Từ đó, kết quả học tập của trường đã chuyển biến mạnh mẽ, số học sinh giỏi của trường ngày một tăng, có nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố, tỉ lệ học sinh thi đỗ các trường đại học cũng tăng dần hàng năm. Trường Trung học phổ thông Liên Hà đã vươn lên toàn diện, mạnh mẽ, thương hiệu nhà trường dần dần được hình thành, nhà trường đã có uy tín với nhân dân địa phương, thu hút nhiều học sinh giỏi lớp 9 thi tuyển sinh vào trường. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều cán bộ giáo viên năng động, sáng tạo, có chuyên môn giỏi, đi đầu trong các hoạt động, tích cực trong phong trào thi đua và họ đã được công nhận là những chiến sỹ thi đua, giáo dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp... điển hình như thầy Trương Quang Hoằng, thầy Đỗ Văn Mạn, thầy Nguyễn Hữu Quát, thầy Phạm Văn Dậu, thầy Trần Hữu Đô, thầy Nguyễn Văn Chiểu, thầy Phạm Quang Khôi, thầy Ngô Đắc San, thầy Nghiêm Quý Bình, thầy Trần Ngọc Đích, cô Nguyễn Thị Hạt, Thầy Đồng Ngọc Hùng, thầy Ngô Đăng Bội, thầy Trần Đình Châu, thầy Ngô Văn Vũ, cô Hoàng Thị Tám, cô Trịnh Thị Xuân Hương, thầy Nguyễn Thiện Minh, cô Nguyễn Thị Nguyệt Nga, thầy Nguyễn Văn Hoán, cô Nguyễn Thị Dương, thầy Nguyễn Văn Phúc, thầy Dương Mạnh Hải, thầy Nguyễn Văn Hạnh, cô Nguyễn Thị Thông, cô Lê Thị Việt, cô Nguyễn Thị Tân, cô Đỗ Thị Soạn, cô Lê thị Thúy, thầy Trần Đức Lân…
Trong phong trào TDTT, qua các kỳ hội khỏe Phù Đổng do thành phố Hà Nội tổ chức, trong 5 năm (1991- 1996) học sinh của trường đạt được 27 huy chương các loại, trong đó 05 huy chương vàng, 12 huy chương bạc, 10 huy chương đồng. Năm 1992 và 1996 tham gia hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, học sinh của trường đã đạt được 05 huy chương vàng, 03 huy chương bạc và 03 huy chương đồng. Nhiều học sinh của trường cũng đạt giải trong phong trào văn hóa, văn nghệ do Ngành giáo dục và Huyện tổ chức, điển hình như học sinh Trần Mai Hương lớp 12B - Bí thư đoàn trường, đạt giải ba trong hội thi học sinh thanh lịch cấp thành phố, giải nhất hội thi tuyên truyền viên trẻ năm 1996.
Với những thành tích đó, 10 năm liên tục trường luôn đạt danh hiệu Trường tiên tiến cấp thành phố. Tháng 11 năm 1996, trường long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, nhằm tuyên truyền và giáo dục truyền thống đoàn kết, quyết tâm thi đua xây dựng và phát triển nhà trường cho các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh.
Giai đoạn thứ tư, từ 1996 đến 2006: xây dựng thương hiệu trường chuẩn quốc gia.
Quy mô nhà trường trường tăng mạnh, duy trì từ 40 lớp trở lên, đỉnh cao là năm học 1999 - 2000 trường có 44 lớp - 2256 HS. Trong giai đoạn này, được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII, năm 1997) đã ra đời, xác định rõ Giáo dục - đào tạo là “quốc sách hàng đầu” đã tạo ra khí thế mới cho ngành giáo dục. Từ 1996 đến 2003 Ban giám hiệu gồm các thầy Đỗ Văn Mạn - Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Hữu Quát- Phó hiệu trưởng, Thầy Trần Đức Lân- Phó hiệu trưởng lãnh đạo nhà trường, vững bước vươn lên. Bước vào năm học 1999- 2000, do quy mô học sinh tăng, Sở Giáo dục đã ra quyết định thành lập Phân hiệu 2 của trường THPT Liên Hà, đặt tại Thị trấn Đông Anh, phân công thầy Nguyễn Hữu Quát trực tiếp phụ trách. Để tăng cường lực lượng lãnh đạo nhà trường, thầy Nguyễn Văn Hạnh đã được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng từ năm 2000. Đến năm 2003, thầy Đỗ Văn Mạn nghỉ hưu, UBND thành phố Hà Nội đã ra bổ nhiệm thầy Nguyễn Văn Hạnh làm Hiệu trưởng, cô Nguyễn Thị Tân được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng từ tháng 01 năm 2004. Tháng 5 năm 2004, thầy Trần Đức Lân được chuyển về làm hiệu trưởng trường THPT Đa Phúc. Cuối năm học 2004- 2005 trường tiếp tục đề nghị Sở quyết định bổ sung thầy Dương Văn Thường làm Phó hiệu trưởng.
Trong giai đoạn này, mặc dù có nhiều biến động về đội ngũ lãnh đạo, nhưng tập thể lãnh đạo nhà trường đã tiếp tục duy trì các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, như đẩy mạnh phong trào thi đua Dạy tốt- Học tốt, tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nòng cốt, tạo điều kiện cho giáo viên đi học nâng cao trình độ để đảm nhận giảng dạy các lớp chọn; tổ chức dạy tăng cường, dạy ôn tập, phụ đạo cho học sinh …do vậy, số lượng học sinh giỏi và học sinh tiên tiến tăng lên rõ rệt, từ 30% năm học 1996- 1997 tăng lên 70% năm 2005- 2006; số học sinh giỏi thời kỳ này bình quân khoảng 50– 70 học sinh giỏi/ năm; số học sinh đạt giải học sinh giỏi thành phố cũng tăng dần qua các năm, nếu như năm học 1998- 1999 chỉ có 07 học sinh đạt giải, thì năm 2004- 2005 trường có 60 học sinh đạt giải ở cả 3 khối. Trong số học sinh giỏi thành phố, đã xuất hiện một số học sinh được tham dự vòng thi quốc gia, như em Nguyễn Thị Tuyết Mai học sinh lớp 12A4 năm học 1999- 2000 thi môn Địa lý, em Đỗ Thị Lai 12A2 năm học 2000 - 2001dự thi môn Ngữ văn, em Nguyễn Thị Như Vân 12A5 năm 2001- 2002 dự thi môn Địa lý.
Cùng với sự gia tăng quy mô học sinh, Sở Giáo dục đã tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất nhà trường, năm 1998 trường được bổ sung xây mới khu nhà hiệu bộ 3 tầng với đủ các phòng làm việc cho Ban giám hiệu, hành chính và công đoàn, giải phóng khu hiệu bộ cũ để làm phòng thực hành Lý- Hóa- Sinh- Công nghệ. Nhà giáo dục thể chất và khu học thể dục thể thao cũng được xây mới năm 1998, với diện tích 200m2, từ đó học sinh được học thể dục trong nhà vào những ngày thời tiết xấu. Đến năm 2002 trường xây thêm khu nhà học lý thuyết 3 tầng, với 06 phòng học, nâng tổng số phòng học lên 26 phòng, bộ mặt nhà trường ngày một khang trang, đầy đủ các phòng học lý thuyết, thực hành, phòng chức năng và phòng hành chính.
Giai đoạn này, phong trào thi đua Dạy tốt- Học tốt của trường tiếp tục duy trì và phát triển mạnh, 10 năm liền trường liên tục đạt danh hiệu Trường tiên tiến xuất sắc cấp thành phố, được Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội, năm học 2003 - 2004 trường được tặng Bằng khen của thủ tướng Chính phủ. Đã xuất hiện những gương mặt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố như cô Cù Phượng Anh, thầy Nguyễn Hữu Điệp, thầy Phạm Hoàng Chỉ, thầy Nguyễn Văn Đào, thầy Nguyễn Quang Tân, thầy Dương Văn Thường, cô Phạm Thị Hiền, cô Trần Thị Hải Châu, cô Nguyễn Thị Vân; giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố thầy Nguyễn Văn Đào, cô Nguyễn Thị Thông, thầy Dương Văn Thường …. Cố vấn đoàn giỏi nhiều năm như thầy Đồng Ngọc Hùng, thầy Nguyễn Thế Thông…
Với những nỗ lực trên, nhà trường được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia, là một trong những trường THPT đầu tiên của Hà Nội vinh dự được thực hiện nhiệm vụ này. Ngày 01/11/2005, UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 7342/QĐ-UBND công nhận trường THPT Liên Hà đạt chuẩn quốc gia, đây là trường THPT đầu tiên của huyện Đông Anh đạt chuẩn. Tháng 11 năm 2006, thầy và trò nhà trường đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập và vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng ba của Chủ tịch nước trao tặng.
Giai đoạn từ 2006 đến 2016: Phát huy truyền thống trường chuẩn quốc gia
Giai đoạn này đội ngũ lãnh đạo nhà trường có những thay đổi, từ 2006- 2013 ban lãnh đạo gồm thầy Nguyễn Văn Hạnh - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng; thầy Dương Văn Thường - Phó bí thư, phó hiệu trưởng; Cô Nguyễn Thị Tân - Phó hiệu trưởng. Đến năm 2008, cô Phạm Thị Hiền đã được Sở Giáo dục bổ nhiệm Phó hiệu trưởng để tăng cường đội ngũ Ban giám hiệu. Năm 2013, cô Nguyễn Thị Tân nghỉ hưu, Sở Giáo dục bổ nhiệm cô Trần Thị Hải Châu là Phó hiệu trưởng. Tháng 12 năm 2013, thầy Nguyễn Văn Hạnh chuyển về trường THPT Cổ Loa công tác, thầy Ngô Đắc Năm là Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Cổ Loa chuyển về trường làm Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng cho đến nay. Với truyền thống là trường THPT đạt chuẩn quốc gia, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường đã viết tiếp những trang sử hào hùng trong sự nghiệp trồng người. Đây là giai đoạn học sinh của trường đạt được những đỉnh cao thành tích trong học tập. Tỉ lệ học sinh giỏi, khá tăng đều trong các năm, nếu như năm học 2006- 2007 tỉ lệ học sinh giỏi đạt 4,6%, học sinh khá đạt 55,3%, đến năm học 2015- 2016 tỉ lệ học sinh giỏi là 34.30%, học sinh khá là 60.0%, không còn học sinh yếu kém. Tỉ lệ học sinh xếp loại đạo đức tốt đến năm học 2015- 2016 là 96,8%, không có học sinh xếp loại yếu. Trong 10 năm, số học sinh lớp 12 đạt giải học sinh giỏi thành phố các môn văn hóa, thi giải toán trên máy tính cầm tay, đạt huy chương vàng, bạc đồng môn thể dục thể thao, đạt giải thi văn hóa văn nghệ… lên tới hàng trăm học sinh. Trong đó có học sinh đạt giải Quốc gia như em Phạm Tuấn Anh lớp 12A1 năm học 2009- 2010 đạt giải Nhì môn Hóa học. Trong các kỳ thi Đại học, Cao đẳng học sinh của nhà trường đỗ tỉ lệ cao, theo xếp hạng hàng năm của Bộ giáo dục thường ở tốp 150 và tốp 100, năm học 2014- 2015 trường đứng thứ 105/200 trường THPT tốt nhất toàn quốc.
Có được chất lượng giáo dục trên, bên cạnh các biện pháp quản lý của nhà trường, thì sự nỗ lực giảng dạy của các thầy, cô giáo là một yếu tố quan trọng, từ đó đã thu hút được nhiều học sinh giỏi, xuất sắc của các trường THCS trên địa bàn huyện Đông Anh thi vào trường. Những năm gần đây điểm tuyển sinh lớp 10 của trường cao nhất trong các trường trên địa bàn huyện Đông Anh. Nhà trường đã nhận thức rõ, học sinh giỏi lớp 9 thi tuyển vào trường chính là nguồn tài nguyên trí tuệ, nhà trường phải chân trọng, gìn giữ và phát huy nguồn tài nguyên quý này, từ đó có các giải pháp chiến lược, tập trung nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của học sinh.
Với mục tiêu đó, Chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường chủ trương xây dựng đội ngũ giáo viên nhà trường đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn cao, tinh thông nghiệp vụ, tận tâm với nghề và yêu thương học sinh. Những năm gần đây, đội ngũ giáo viên của trường được trẻ hóa, độ tuổi bình quân giáo viên hiện nay là 35 tuổi (trong đó giáo viên dưới 30 tuổi là 33/85), nhưng những lớp giáo viên trẻ của trường cũng nhanh chóng tiếp cận, đổi mới phướng pháp, ứng dụng CNTT trong giảng dạy, họ đã vững vàng trên bục giảng để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của lớp cha anh đi trước để lại. Với quan điểm: Muốn có Trò giỏi, thì phải có Thầy giỏi, Ban giám hiệu đã xây dựng kế hoạch, động viên thầy cô giáo đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nhiều thầy cô giáo đã và đang tham gia học thạc sỹ, đến nay trường có 20 thầy cô giáo có trình độ thạc sỹ, chiếm 23% đội ngũ giáo viên, mỗi năm có từ 02- 03 giáo viên đi học thạc sỹ, nhờ vậy mà tránh được tình trạng hẫng hụt về đội ngũ và giữ vững được chất lượng giảng dạy, giữ vững thương hiệu nhà trường. Trong 10 năm các thầy cô đã viết 135 SKKN cấp ngành ( trong đó xếp loại B là 49 SKKN, loại C 86 SKKN). Có nhiều thầy, cô giáo trở thành giáo viên giỏi cấp thành phố, như: thầy Đặng Trần Xuân – giải Nhất môn Hóa học, Cô Nguyễn Thị Suôi - giải Nhì môn Địa lý, cô Hoàng Thị Hiên – giải Nhì môn Ngữ văn, thầy Đồng Văn Ánh - giải Nhì môn Anh văn, thầy Phạm Đức Duẩn – giải Nhất môn Toán, cô Phạm Thị Thu Vân - giải Ba môn Ngữ văn tích hợp, cô Đình Thị Tuyến– giải Ba thi tích hợp môn GDCD, cô Đỗ Thị Hồng Vân - giải Nhất môn Ngữ văn tích hợp, giải ba thi GVCN giỏi…. ngoài ra còn rất nhiều thầy cô giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp cụm và cấp trường, hoặc đạt các giải trong các hội thi tự làm đồ dùng dạy học ….
Đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục về đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý và dạy học, nhà trường đã trang bị 03 phòng thực hành, với 75 máy tính để dạy và học môn Tin học cho học sinh. Ngoài máy tính, nhà trường đã trang bị hàng chục máy chiếu projecter trong các phòng học để phục vụ ứng dụng CNTT, đổi mới phương pháp giảng dạy. Với sự tích cực, nỗ lực của các cán bộ, giáo viên, trong 10 năm 2006- 2016 toàn trường đã có 191 lượt thầy cô giáo đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp ngành, có nhiều thầy, cô giáo đã nhiều năm liên tục đạt danh hiệu này.
Sự quyết tâm cao của Ban giám hiệu và sự nỗ lực thực hiện các phong trào thi đua của tập thể cán bộ giáo viên đã được Sở GD & ĐT Hà Nội ghi nhận. Trường đã liên lục đạt danh hiệu trường Tiến tiến xuất sắc cấp thành phố, được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp quản lý. Điển hình như Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội năm học 2010- 2011; Bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm học 2011- 2012; Trường đạt tiên tiến xuất sắc về thể dục, thể thao cấp thành phố năm học 2013- 2014; Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội năm học 2014- 2015. Một tin vui lớn đến với thầy trò đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập, nhà trường vinh dự được tặng Cờ thi đua của UBND thành phố Hà Nội và đón nhận Huân chương lao động hạnh ba của Chủ tịch nước trao tặng.
Từ mái trường thân THPT Liên Hà yêu này, nhiều học sinh đã bước vào đời, vươn tới và chiếm lĩnh những đỉnh cao khoa học, điển hình như: Phó giáo sư- Tiến sỹ Ngô Vĩnh Phát- Nguyên Viện trưởng Viện bảo vệ thực vật; Ông Nguyễn Công Lôi- Nguyên cán bộ ngoại giao, chuyên viên quan hệ quốc tế tại một số quốc gia Châu phi; Tiến Sỹ Ngô Giản Luyện- Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần giống gia cầm Miền Nam; Tiến sỹ Phạm Thế Dân - Trưởng khoa Vật lý, Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Tiến Sỹ Phan Hồng Anh- Trưởng bộ môn TCQLNS học viện hành chính quốc gia; nhà giáo Nguyễn Trí Tuệ- Nguyên trưởng phòng công tác HSSV, trường ĐH kinh tế Quốc dân; Giáo sư tâm lý học Nguyễn Hữu Thụ- Đại học KHXH&NV; Tiến sỹ chuyên ngành khai thác mỏ Nguyễn Đăng Tế - Nguyên giám đốc điều hành dự án TL- TĐ Cửa Đạt; Tiến sỹ Đỗ Văn Sinh- Phó tổng GĐ BHXH Việt Nam; Phó giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Minh Khởi- Viện trưởng viện dược liệu- Bộ y tế ….Có người đã trở thành các nhà văn, nhà phê bình có tên tuổi như Đại tá - Nhà văn Ngô Vĩnh Bình, nguyên Tổng biên tập Tạp chí văn nghệ quân đội nhân dân Việt Nam; có người đã giữ trọng trách quan trọng trong cơ quan của Đảng và Nhà nước như ông Nguyễn Văn Tùng- Phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ; trong lực lượng vũ trang như Đại tá - Tiến sỹ Nguyễn Đăng Giao – Học viện phòng không; Đại tá - Tiến sỹ- Bác sỹ cao cấp Đoàn Phú Cương- Học viện quân y; Phó giáo sư, Tiến sỹ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Đình Tiến- Bệnh viện trung ương quân đội 108; Đại tá – Tiến sỹ Ngô Hữu Long - Bệnh viện Quân y 110; nhiều người trở thành tổng giám đốc các tổng công ty, doanh nghiệp lớn như ông Nguyễn Hữu Sơn - Chủ tịch HĐQT, Bí thư đảng ủy tổng công ty Xây lắp điện IV; ông Phan Tấn Bình – Bí thư đảng uỷ- Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty cổ phần xích líp Đông Anh...còn rất nhiều học sinh của nhà trường đã thành đạt, hiện đang giữ những vị trí quan trọng của nhiều lĩnh vực chính trị, khoa học kỹ thuật, kinh tế- xã hội của đất nước mà trong khuôn khổ kỷ yếu chúng tôi không thể nào liệt kê hết được. rất mong sự thông cảm và chia sẻ của các bạn…
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm, thầy trò nhà trường thể hiện lòng biết ơn và vô cùng thương tiếc các thầy cô giáo đã vĩnh viễn ra đi, đó là: Cô Nguyễn Thị Thịnh, Thầy Trương Quang Hoằng, Thầy Nguyễn Minh Anh, Thầy Trần Văn Khoa, Thầy Trần Văn Đích, Thầy Ngô Văn Vũ, …Các thế hệ học sinh mãi mãi khắc ghi công lao trời bể của các thầy cô giáo đã dành hết tâm huyết, lòng yêu thương con người để truyền thụ cho các em có đủ tài, đức, vững vàng bước vào đời, đem tài năng, trí tuệ phục vụ đất nước.
Nhìn lại trặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ lãnh đạo nhà trường bày tỏ tấm lòng chân trọng và biết ơn trước sự giúp đỡ của UBND, Sở Giáo dục thành phố Hà Nội, Huyện ủy - UBND Huyện Đông Anh và địa phương nơi trường đóng, đặc biệt là lòng tin yêu của cha mẹ học sinh trong quá trình xây dựng và phát triển nhà trường.
Có thể nói, suốt chặng đường 50 năm qua, thầy trò THPT Liên Hà đã làm nên truyền thống - một “nếp nhà”, đó là tinh thần vượt khó, “thầy mẫu mực, trò chăm ngoan”; năng động sáng tạo, yêu đời, yêu nghề, đoàn kết, khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm. Đây cũng là tài sản vô giá mà bao thế hệ nhà trường đã dày công xây dựng, gìn giữ trong nửa thế kỷ qua. Truyền thống đó, phong cách đó đã góp phần làm nên thương hiệu THPT Liên Hà, địa chỉ giáo dục tin cậy của địa phương và nhân dân.
Tự hào về truyền thống vẻ vang đó, thầy trò nhà trường hôm nay đã và đang quyết tâm phát huy những thành tựu đạt được để cùng ngành giáo dục Thủ Đô bước những bước đi vững chắc tiến vào thế kỷ XXI, chinh phục những đỉnh cao mới của bầu trời tri thức.
HIỆU TRƯỞNG
Ngô Đắc Năm