TẠI SAO BẠN NÊN BỎ HÚT THUỐC?
• Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong có thể phòng ngừa được.
• Gần 1/3 số ca tử vong liên quan đến bệnh tim mạch vành là do hút thuốc lá và hít khói thuốc lá.
• Hút thuốc lá có liên quan đến khoảng 90% số ca ung thư phổi.
• Trung bình, người hút thuốc tử vong sớm hơn mười năm so với người không hút thuốc.
• Bạn có thể là một trong hàng triệu người bỏ hút thuốc thành công mỗi năm.
ĐIỀU GÌ LÀM CHO THUỐC LÁ TRỞ NÊN ĐỘC HẠI VÀ NGUY HIỂM?
Có hơn 5.000 thành phần hóa học được tìm thấy trong khói thuốc lá và hàng trăm thành phần trong số đó gây hại đến sức khỏe con người. Ví dụ như
• 1,3-Butadiene là một hóa chất được dùng để sản xuất cao su. Nó được xem là một hóa chất gây ung thư và có thể gây ra một số bệnh ung thư máu;
• Arsenic được dùng để bảo quản gỗ. Một số hợp chất arsenic có liên quan đến ung thư phổi, da, gan và bàng quang;
• Benzene được dùng để sản xuất các hóa chất khác. Nó có thể gây ung thư, đặc biệt là bệnh bạch cầu ở người;
CARBON MONOXIDE VÀ NICOTINE: CẶP ĐÔI NGUY HIỂM
Carbon monoxide là một loại khí có hại mà bạn hít phải khi hút thuốc. Khi đến phổi, khí này được chuyển vào đường máu trong cơ thể. Carbon monoxide làm giảm lượng oxy dùng để vận chuyển các tế bào hồng cầu. Nó còn làm tăng lượng cholesterol tích tụ ở thành trong của động mạch, có thể làm cho các động mạch xơ cứng lại theo thời gian. Điều này dẫn đến bệnh tim, bệnh động mạch và có thể là nhồi máu cơ tim.
Nicotine là một hóa chất nguy hiểm và gây nghiện cao. Nó có thể làm tăng huyết áp, nhịp tim, lưu lượng máu đến tim và thu hẹp động mạch (mạch máu dẫn máu từ tim). Nicotine cũng có thể góp phần làm xơ cứng thành động mạch, từ đó, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. Hóa chất này có thể tồn tại trong cơ thể từ sáu đến tám giờ tùy thuộc vào tần suất hút thuốc lá. Ngoài ra, tương tự như các chất gây nghiện khác, nicotine có một số tác dụng phụ khi cai thuốc. Một số thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện gần đây cung cấp nhiều nicotine hơn thuốc lá truyền thống.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc nhiều nhất thế giới. Để đấu tranh chống lại khói thuốc lá, Chính phủ đã xây dựng một hành lang pháp lý và sau đây là những quy định quan trọng nhất.
Có 04 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên:
- Bệnh viện, trạm y tế;
- Trường học, trừ trường cao đẳng, học viện;
- Nơi chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;
- Khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
Trong khi đó, có 03 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà, gồm:
- Cơ quan, công sở, nơi làm việc;
- Trường cao đẳng, đại học, học viện
- Địa điểm công cộng.
Đồng thời, Luật cũng cấm hoàn toàn hút thuốc trên máy bay, ô tô, tàu điện.
Hút thuốc tại nơi cấm bị phạt đến 300.000 đồng
Đây là quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 23 chỉ rõ: Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm nêu trên bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng – 300.000 đồng.
Mức phạt nêu trên cũng được áp dụng đối với người bỏ mẩu, tàu thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.
Riêng hút thuốc lá trên máy bay sẽ được áp dụng mức phạt theo quy định của Nghị định 147/2013/NĐ-CP. Cụ thể, người hút thuốc, kể cả thuốc lá điện tử trên máy bay sẽ bị phạt từ 03 - 05 triệu đồng.
Không được nhờ trẻ dưới 18 tuổi đi mua thuốc lá
Tại Điều 9 của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012, việc sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Tương tự, Luật cũng cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng và mua bán thuốc lá.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi sử dụng người chưa đủ 18 tuổi để mua bán thuốc lá. Khoản 1 Điều 24 Nghị định 176/2013/NĐ-CP chỉ quy định sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 300.000 đồng đối với người chưa đủ 18 tuổi hút thuốc lá.
Giá của mỗi bao thuốc lá sắp tăng
Để góp phần giảm đối tượng và mức độ sử dụng thuốc lá, từ đó đẩy lùi tác hại của thuốc lá, theo Chương trình sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1092/QĐ-TTg vừa qua, sắp tới sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.
Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá hiện nay là 70%, Bộ Tài chính đang đề xuất tăng mức thuế này lên 75% vào năm 2019 và 80% vào năm 2020, tiếp tục tăng lên 85% vào năm 2021. Khi thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá tăng, giá bán lẻ thuốc lá cũng sẽ tăng lên là điều đương nhiên.