Được thành lập cùng với sự ra đời của trường Cấp 3 Liên Hà, cho đến nay Chi bộ nhà trường vừa tròn 50 tuổi ( 1966- 2016). 50 năm qua, trong từng giai đoạn Chi bộ luôn bám sát nhiệm vụ cách mạng, làm tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bồi dưỡng, giáo dục các thế hệ đoàn viên, thanh niên và học sinh nhà trường. Có thể nói trong mối quan hệ gắn bố máu thịt, Chi bộ đã lớn mạnh cùng với sự phát triển của nhà trường.
Những năm đầu thành lập, trong hoàn cảnh cả nước đang phải chống trả quyết liệt với cuộc chiến tranh xâm lược của Đế quốc Mỹ, thầy trò nhà trường phải giảng dạy và học tập trong điều kiện khói lửa từ những cuộc ném bom phá hoại miền Bắc của máy bay Mỹ. Chi bộ Đảng lúc đó chỉ có 03 Đảng viên, thầy Đoàn Cầu- Hiệu trưởng, thầy Lê Văn Kiên- Phó hiệu trưởng làm Bí thư chi bộ. Nhiệm vụ của Chi bộ là khẩn trương ổn định các hoạt động dạy và học trong điều kiện nhà trường phải sơ tán, các lớp học rải rác ở thôn Hà Phong, Hà Lỗ, Thù Lỗ- Xã Liên Hà. Với khẩu hiệu “Biến không thành có- Biến thiếu thành đủ”, Chi bộ đã lãnh đạo tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh đoàn kết, quyết tâm giữ vững trường lớp. Bằng trách nhiệm và tinh thần lao động xã hội chủ nghĩa, thầy trò đã quyết tâm xây dựng để có được cơ sở vật chất với 06 phòng học bằng vách đất, lợp tranh, tre, lá…bàn ghế học tập đơn sơ, đã đào hàng trăm mét hào giao thông, hầm trú ẩn cho thầy trò mỗi khi có máy bay địch ném bom. Trong chiến tranh, gian khổ nhiều bề, lãnh đạo Chi bộ giai đoạn này có nhiều thay đổi, biến động, người bí thư Chi bộ đầu tiên là đồng chí Lê Văn Kiên (từ 1966- 1972), sau đó đồng chí Nguyễn Văn Phức làm Bí thư chi bộ một năm học ( 1972- 1973), các đồng chí đã giữ được bản lĩnh chính trị vững vàng, chắc tay chèo lái, lãnh đạo nhà trường vươn lên trong chiến tranh, thầy trò nhà trường vẫn giữ vững nề nếp, ổn định công tác giảng dạy, học tập và lao động sản xuất.
Sau Hiệp định Pari 1972, đế quốc Mỹ chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc, thầy trò nhà trường chuyển về địa điểm mới thôn Hà Lỗ ngày nay. Giai đoạn này, Chi bộ nhà trường do đồng chí Lê Văn Kiên – Bí thư và đồng chí Ngô Văn Vũ – Phó bí thư lãnh đạo. Trong thời kỳ này, thầy trò nhà trường phải xây dựng lại toàn bộ cơ sở vật chất, từ thu gom, vận chuyển các phòng học tạm ở nơi sơ tán về để xây dựng lớp học, đến việc san lấp mặt bằng, xây mới một số phòng học, khu văn phòng. Sau 2 năm học khu trường mới đã mọc lên với 2 dãy nhà cấp bốn, 10 phòng học. Năm học 1973- 1974, mặc dù miền Bắc đã chấm dứt chiến tranh, nhưng cả nước vẫn phải dốc sức cho chiến trường miền Nam. Để tiếp tục sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Chi bộ đã lãnh đạo và giáo dục giáo viên, học sinh hăng hái lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều học sinh của nhà trường đã anh dũng chiến đấu, rất nhiều người đã trở thành thương bệnh binh khi để lại một phần máu thịt cho sự nghiệp thống nhất Đất nước, có 59 anh hùng liệt sỹ đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường .
Giai đoạn 1975- 1991: Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã hoàn toàn thắng lợi, non sông thu về một mối, cả nước đi lên xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội. Chi bộ nhà trường do các đồng chí Ngô Văn Vũ – Bí thư ( 1976- 1978), đồng chí Trương Quang Hoàng- Bí thư giai đoạn ( 1978-1979) và (1985- 1991), đồng chí Nguyễn Văn Thiều (1979-1984), đồng chí Trần Đình Châu- Phó bí thư Chi bộ ( 1987- 1991) đã lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể trong nhà trường khắc phục mọi khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, đẩy mạnh các phong trào thi đua, nâng cao chất lượng dạy và học, ổn định đời sống cán bộ, giáo viên. Trong giai đoạn này, tỉ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp ổn định, chất lượng dậy và học tương đối tốt. Bên cạnh việc ổn định và nâng cao chất lượng dậy học, Chi bộ đã chỉ đạo thực hiện tốt phương châm “Học đi đôi với hành”, đẩy mạnh hoạt động giáo dục lao động hướng nghiệp cho học sinh, đã có nhiều sản phẩm được làm ra từ phong trào này, đem lại nguồn lợi đáng kể về kinh tế cho nhà trường, cải thiện đời sống cán bộ, giáo viên.
Giai đoạn 1992- 2003, thực hiện Nghị quyết Đại hội VII tập trung xây dựng Đảng mạnh về chính trị, vững vàng về tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo của Đảng. Đây là thời kỳ đổi mới, cả nước tiến hành thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nền kinh tế đất nước có những bước chuyển biến, ngành giáo dục được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học. Thời kỳ này nhà trường được đầu tư xây dựng hệ thống các lớp học cao tầng, học sinh được học trong những lớp học đảm bảo các tiêu chuẩn về kích thước và ánh sáng, bộ mặt nhà trường ngày một khang trang hơn. Đây là giai đoạn xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất nhà trường, số phòng học lý thuyết đã nâng lên 26 phòng, các phòng học thực hành Lý, Hóa, Sinh cũng được triển khai, có đủ trang thiết bị thực hành thí nghiệm; khu nhà thể chất rộng rãi phục vụ học sinh luyện tập thể dục thể thao; khu hành chính, hiệu bộ 3 tầng cũng được hoàn thiện, đầy đủ các phòng làm việc của Ban giám hiệu, phòng công đoàn, đoàn thanh niên.
Ban chi ủy lãnh đạo Chi bộ gồm các đồng chí: đồng chí Đỗ Văn Mạn làm Bí thư chi bộ (1992- 2003), đồng chí Trần Đình Châu làm Phó bí thư (1992- 1997), đồng chi Phạm Hoàng Chỉ là Chi ủy viên. Số đảng viên được kết nạp mới tại chi bộ giai đoạn này là 11 đồng chí, nâng tổng số đảng viên của Chi bộ lên 22 đồng chí.
Sau khi có đầy đủ cơ sở vật chất, Chi bộ đã tập trung các giải pháp đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục. Từ việc thành lập các lớp chọn, phân học sinh theo các ban học để tập trung giáo dục chuyên sâu, đến việc lựa chọn đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm và trình độ tốt đảm nhận giảng dạy tại các lớp chọn, xây dựng cơ chế chính sách để kịp thời động viên giáo viên dạy tại các lớp chọn… Do có điều kiện về cơ sở vật chất, nên ngoài giờ học chính khóa, các lớp chọn được bố trí học thêm giờ; giao cho tổ chuyên môn xây dựng và biên soạn tài liệu riêng cho các lớp chọn… Với những biện pháp nêu trên, chất lượng giáo dục của nhà trường đã có nhiều khởi sắc và được nâng lên rõ rệt, học sinh giỏi ngày một tăng, tỉ lệ thi đỗ các trường đại học, cao đẳng cũng tăng lên theo từng năm. Nếu năm 1990 đến 1999, số học sinh giỏi thành phố của trường chưa nhiều (khoảng 30 học sinh đạt giải văn hóa và 26 học sinh đạt giải thể dục thể thao), thì từ năm 2000- 2003 số học sinh giỏi đã tăng nhanh, cụ thể: năm học 1999- 2000 có 12 học sinh giải văn hóa và 02 học sinh giải TDTT, năm 2000- 2001 có 20 học sinh đạt giải văn hóa và 05 học sinh đạt giải TDTT, năm 2001- 2002 có 20 HS đạt giải văn hóa và 06 HS giải TDTT, năm 2002- 2003 có 19 HS đạt giải văn hóa và 07 HS đạt giải TDTT, đặc biệt có 03 HS được chọn tham dự thi học sinh giỏi quốc gia.
Giai đoạn 2003- 2013, đồng chi Đỗ Văn Mạn nghỉ hưu, Đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2003- 2005 đã bầu đồng chí Trần Đức Lân– Phó hiệu trưởng làm Bí thư chi bộ, đồng chí Phạm Hoàng Chỉ làm Phó bí thư chi bộ. Đến tháng 6/2004 đồng chí Trần Đức Lân chuyển về làm Hiệu trưởng trường THPT Đa Phúc, Thường vụ Huyện ủy Đông Anh cử đồng chí Phạm Hoàng Chỉ là Phó bí thư phụ trách Chi bộ.
Đến Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2006- 2010, đồng chí Nguyễn Văn Hạnh– Hiệu trưởng được bầu làm Bí thư Chi bộ, đồng chí Phạm Hoàng Chỉ làm Phó bí thư chi bộ và đồng chí Nguyễn Thị Hạt làm Chi ủy viên, tiếp tục lãnh đạo Chính quyền và các đoàn thể thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Để bù đắp các đồng chí đảng viên nghỉ hưu, chi bộ đã phát triển thêm 12 đảng viên mới, đến cuối năm 2013 số đảng viên trong chi bộ là 22 đồng chí.
Từ 2003 đến nay, ngành giáo dục thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa phân ban, đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học. Trong giai đoạn này, Chi bộ không phải quan tâm nhiều đến công tác xây dựng trường lớp mà tiếp tục tập trung lãnh đạo nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới giáo dục toàn diện cho học sinh, áp dụng đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và trú trọng nâng cao chất lượng mũi nhọn. Vì vậy, tỉ lệ học sinh khá, giỏi của trường mỗi năm một tăng lên, học sinh thi đỗ các trường Đại học, Cao đẳng cũng mỗi năm một khác. Hàng năm theo đánh giá xếp hạng của Bộ giáo dục trường thường nằm trong tốp 100 và 150, trường đã vươn lên đứng thứ nhất về chất lượng đào tạo trong các trường THPT trên địa bàn huyện nhà. Uy tín và thương hiệu của nhà trường được xã hội khẳng định. Năm 2005, trường được UBND thành phố Hà Nội công nhận là Trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Trong 5 năm (2001- 2006) trường có nhiều thành tích xuất sắc trong thi đua dạy tốt – học tốt, vì vậy, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thành lập ( 1966- 2006) nhà trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba.
Giai đoạn 2014- đến nay, tháng 12 năm 2013 do yêu cầu công tác, đồng chí Ngô Đắc Năm được điều động về trường làm Hiệu trưởng, Bí thư chi bộ thay cho đồng chí Nguyễn Văn Hạnh để quản lý điều hành nhà trường. Cấp ủy gồm các đồng chí Dương Văn Thường- Phó bí thư, đồng chí Trần Thị Hải Châu- Chi ủy viên. Sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Ngô Đắc Năm đã cùng các đồng chí trong cấp ủy tiếp tục thực hiện đường lối của Chi bộ nhiệm kỳ 2010- 2015, xây dựng và củng cố khối đoàn kết trong nhà trường, đẩy mạnh các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục mũi nhọn. Vì vậy, năm học 2013- 2014 và 2014- 2015 chỉ tiêu về chất lượng giáo dục tiếp tục tăng lên, tỉ lệ học sinh khá giỏi năm sau cao hơn năm trước, năm 2014- 2015 học sinh giỏi là 30,75%, học sinh khá là 61.31%; học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt và khá là 99.70%; học sinh đỗ đại học cao trên 90%, theo xếp hạng của Bộ giáo dục trường đứng thứ 104/200 trường THPT có chất lượng thi Đại học tốt nhất toàn quốc. Kết thúc năm học 2015- 2016 tỉ lệ học sinh khá giỏi tăng hơn năm học trước, xếp loại giỏi 32.75%, loại khá 62,75%; học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá là 99.81%, không có học sinh yếu. Trường tiếp tục giữ vững uy tín, thương hiệu, chất lượng tuyển sinh đầu vào của ổn định, điểm tuyển sinh đầu vào đứng thứ nhất các trường THPT trên địa bàn, thu hút nhiều học sinh giỏi từ các trường THCS trong huyện vào học.
Tháng 4 năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Ban thường vụ huyện ủy Đông Anh, Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2015- 2020 đã diễn ra trong không khí phấn khởi, dân chủ, đoàn kết thống nhất trong tập thể sư phạm nhà trường. Các đồng chí trong cấp ủy khóa cũ được Đại hội tín nhiệm bầu vào Cấp ủy nhiệm kỳ mới, đồng chí Ngô Đắc Năm tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Chi bộ, đồng chí Dương Văn Thường giữ chức vụ Phó bí thư Chi bộ và đồng chí Trần Thị Hải Châu giữ chức vụ Chi ủy viên. Đại hội lần này diễn ra vào thời điểm Ngành giáo dục đang tích cực thực hiện Nghị quyết 29- NQ/TW về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yếu cầu CNH- HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, trong Đại hội đã tập trung thảo luận, phân tích, chỉ ra những mặt mạnh, những điểm yếu của nhà trường, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Đại hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết nhiệm kỳ 2015- 2020, sau Đại hội, Chi bộ đã ban hành 06 chương trình công tác toàn khóa, hiện nay Nghị quyết của Chi bộ đã và đang đi vào cuộc sống, các Chương trình hành động đã bao quát nhiệm vụ chính trị, được cán bộ, giáo viên hưởng ứng và tích cực thực hiện. Xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, Chi bộ đã thực hiện đổi mới phương thức sinh hoạt hàng tháng, thường xuyên giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống cho đảng viên. Vì vậy, các đảng viên trong Chi bộ đã thực sự gương mẫu thực hiện tốt “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện các phong trào, như thi đua “Hai tốt” trên tinh thần Dạy thực chất- Học thực chất- Đánh giá thực chất- Chất lượng thực chất và các phong trào do ngành phát động. Trong lãnh đạo công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, Chi bộ đã làm tốt công tác đào tạo cán bộ nguồn, phát triển kết nạp đảng viên mới, năm 2016 tổng số đảng viên của Chi bộ đã là 30 đồng chí, chiếm 31% cán bộ, giáo viên, nhân viên. Thực hiện kế hoạch 140/KH-UBND thành phố, Chi bộ tiếp tục công tác phát triển đảng, phấn đấu đến 2020 số đảng viên trong Chi bộ đạt 40-45%, tiến tới thành lập Đảng bộ trường THPT Liên Hà.
Sau nửa thế kỷ, Chi bộ đảng trường THPT Liên Hà đã trưởng thành và phát triển vững mạnh, xứng đáng là hạt nhân đoàn kết, lãnh đạo nhà trường, các đoàn thể thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đạt nhiều thành tích nổi bật. Trong những năm gần đây Chi bộ liên tục được Thường vụ huyện ủy Đông Anh tặng danh hiệu Trong sạch vững mạnh và Trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Nhà trường liên tục đạt danh hiệu Trường tiên tiến xuất sắc cấp thành phố, được tặng Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội, của Bộ Giáo dục và Thủ tướng Chính phủ. Công đoàn luôn đạt Công đoàn trường học cơ sở vững mạnh, được tặng giấy khen, bằng khen và cờ thi đua của các cấp công đoàn. Đoàn thanh niên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen của Huyện đoàn, Thành đoàn và Trung ương đoàn.
Trải qua chặng đường 50 năm, không ít những gian nan thử thách, những khó khăn vất vả… nhưng đã vững vàng vượt qua, với nhiều thành tích đáng trân trọng và tự hào, trường THPT Liên Hà đã trở thành một địa chỉ giáo dục tin cậy, là con chim đầu đàn của giáo dục Huyện Đông Anh và của Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội. Trong giai đoạn tới, thực hiện Nghị quyết 29- NQ/TW, giáo dục nước nhà sẽ đổi mới mạnh mẽ về nội dung chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá... đây vừa là vận hội, vừa là thách thức mới. Vì vậy, để tiếp tục giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, để phát huy được thành quả của 50 năm xây dựng và phát triển nhà trường, cán bộ, đảng viên trong Chi bộ quyết tâm đoàn kết một lòng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Chi bộ trường THPT Liên Hà nhiệm kỳ 2015- 2020, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực cho sự nghiệp Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Đảng và Nhà nước, để mỗi đoàn viên học sinh sau ba năm học trên ghế nhà trường sẽ trưởng thành về mọi mặt, trở thành những công dân tốt, có lòng yêu nước nồng nàn, lòng tự hào tự tôn dân tộc, đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Đông Anh, ngày 30 tháng 4 năm 2016
BÍ THƯ CHI BỘ
Ngô Đắc Năm